Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Quyển 3

Phẩm 24: Quảng Thuyết


[1]
Dù tụng trăm bài kệ
Chẳng hiểu có ích gì?
Thông suốt chỉ một câu
Nghe rồi sẽ đắc Đạo

[2]
Dù tụng cả ngàn kệ
Chẳng hiểu có ích gì?
Đâu bằng hiểu một câu
Nghe rồi ý tịch nhiên

[3]
Dù hiểu cả ngàn kệ
Chẳng hành có ích gì?
Chẳng bằng trì một câu
Tu hành mới đắc Đạo

[4]
Dù ai sống trăm tuổi
Hủy giới ý bất định
Chẳng bằng sống một ngày
Cúng dường người trì giới

[5]
Dù ai sống trăm tuổi
Lười biếng không tinh tấn
Chẳng bằng sống một ngày
Dũng mãnh hành tinh tấn

[6]
Dù ai sống trăm tuổi
Không quán pháp sanh diệt
Chẳng bằng sống một ngày
Hiểu rõ pháp sanh diệt

[7]
Dù ai sống trăm tuổi
Không biết việc thành bại
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy nhân biết được quả

[8]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo vô lậu
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy được Đạo vô lậu

[9]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo vô động
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy được Đạo vô động

[10]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo vi diệu
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy được Đạo vi diệu

[11]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo vô sanh
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy được Đạo vô sanh

[12]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo vô tác
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy được Đạo vô tác

[13]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo tối thượng
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy được Đạo tối thượng

[14]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo tịch diệt
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy được Đạo tịch diệt

[15]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo cam lộ
Chẳng bằng sống một ngày
Uống được Đạo cam lộ

[16]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo vô cấu
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy được Đạo vô cấu

[17]
Dù ai sống trăm tuổi
Không thấy Đạo lìa cấu
Chẳng bằng sống một ngày
Lìa cấu được giải thoát

[18]
Dù ai sống trăm tuổi
Núi rừng thờ thần lửa
Chẳng bằng trong khoảnh khắc
Quán thân mà tu hành

[19]
Dù ai sống trăm tuổi
Núi rừng thờ thần lửa
Chẳng bằng trong khoảnh khắc
Chánh kiến được giải thoát

[20]
Tháng này đến tháng khác
Kẻ ngu dùng ẩm thực
Kẻ kia chẳng tin Phật
Mười sáu chẳng được một

[21]
Nếu ai cầu miếu thần
Nhiều năm mong phước báo
Phước kia trong bốn phần
Một phần cũng chưa có

[22]
Tháng này đến tháng khác
Kẻ ngu dùng ẩm thực
Chẳng sanh tâm từ mẫn
Mười sáu chẳng được một

[23]
Tháng này đến tháng khác
Kẻ ngu dùng ẩm thực
Kẻ kia chẳng biết Pháp
Mười sáu chẳng được một

[24]
Tháng này đến tháng khác
Luôn đến dự Pháp hội
Kẻ kia chẳng tin Phật
Mười sáu chẳng được một

[25]
Tháng này đến tháng khác
Luôn đến dự Pháp hội
Kẻ kia chẳng tin Pháp
Mười sáu chẳng được một

[26]
Tháng này đến tháng khác
Luôn đến dự Pháp hội
Kẻ kia chẳng tin Tăng
Mười sáu chẳng được một

[27]
Mỗi tháng tới miếu đền
Bố thí luôn bình đẳng
Tâm kia không từ mẫn
Mười sáu chẳng được một

[28]
Mỗi tháng tới miếu đền
Bố thí luôn bình đẳng
Sâu bọ, họ chẳng thương
Mười sáu chẳng được một

[29]
Mỗi tháng tới miếu đền
Bố thí luôn bình đẳng
Nếu tâm không từ bi
Mười sáu chẳng được một

[30]
Mỗi tháng tới miếu đền
Bố thí luôn bình đẳng
Tâm kia ôm oán hận
Mười sáu chẳng được một

[31]
Mỗi tháng tới miếu đền
Bố thí luôn bình đẳng
Không thấy Pháp trạch diệt
Mười sáu chẳng được một

[32]
Mỗi tháng tới miếu đền
Suốt đời không thôi nghỉ
Đâu bằng trong thoáng chốc
Nhất tâm niệm Chánh Pháp
Một niệm phước của Đạo
Hơn kẻ thờ trọn đời

[33]
Dù trọn cả trăm năm
Phụng thờ miếu thần lửa
Chẳng bằng trong khoảnh khắc
Cúng dường Phật Pháp Tăng
Phước đức một lần tu
Hơn kẻ thờ trăm năm

Phẩm 25: Thiện Hữu


[1]
Bất tín ôm ganh ghét
Kẻ kia ưa tranh đấu
Bậc trí bỏ hiềm oán
Bầy ngu cho là vui

[2]
Tín tâm chẳng ganh ghét
Tinh tấn tín đa văn
Bậc trí luôn kính trọng
Hiền thánh gọi là vui

[3]
Không gần kẻ xấu ác
Không đến nơi phi pháp
Thân cận Thiện Tri Thức
Luôn đến nơi Chánh Pháp

[4]
Đi đường nhớ cân nhắc
Trì giới bậc đa văn
Nghĩ suy vô lượng cảnh
Nghe lời dạy hay kia
Mọi việc biết rõ ràng

[5]
Gần ác tự đắm chìm
Tu thiện được tiếng thơm
Thánh hiền luôn kỳ diệu
Do bởi thân chân chánh


[6]
Người thiện mãi làm lành
Do bởi gần thiện hữu
Trí tuệ là tối thượng
Trì giới vĩnh tịch diệt

[7]
Như cá tụ tanh hôi
Kẻ tham tranh giành lấy
Ý nhiễm chẳng biết uế
Ác tập cũng như thế

[8]
Hương mộc lá cây hoắc
Chúng sanh đi đến bứt
Lá hương tỏa lan xa
Làm thiện cũng như thế

[9]
Gần gũi kẻ xấu ác
Nghiệp tội ngày càng tăng
Như heo sống dơ dáy
Dơ mình lẫn dơ người

[10]
Tự mình chẳng làm ác
Gần gũi kẻ làm ác
Sẽ bị người chê cười
Tiếng ác ngày càng tăng

[11]
Huân tập thành bản tánh
Biết ác mà gần gũi
Tên độc ghim trong đó
Khiến người bị nhiễm ô
Trượng phu khéo diệt trừ
Bỏ ác chẳng làm bạn


[12]
Cho nên biết quả báo
Người trí tất phân biệt
Điều ác chớ huân tập
Mà nên gần thánh hiền
Bhikṣu [bíc su] tu hành Đạo
Chịu khổ sạch các lậu

[13]
Kẻ ngu dù suốt đời
Hầu cận bậc minh trí
Chánh Pháp cũng chẳng biết
Như vá múc thức ăn

[14]
Bậc trí chỉ một thoáng
Hầu cận hiền thánh nhân
Chánh Pháp biết rõ thông
Ví như lưỡi nếm vị

[15]
Người trí với một câu
Diễn giải vô lượng nghĩa
Kẻ ngu tụng ngàn câu
Không hiểu nghĩa câu nào

[16]
Thành tựu nghĩa một câu
Người trí thích tu học
Kẻ ngu ưa xa lánh
Lời thật của Phật dạy

[17]
Có trí thắng oán ghét
Chẳng theo nghĩa thân tình
Kẻ ngủ theo phi pháp
Tiến dần vào địa ngục

[18]
Kẻ ngu cho mình ngu
Nên biết có trí tuệ
Kẻ ngu cho mình giỏi
Đó là quá sức ngu

[19]
Nếu lại khen kẻ ngu
Người trí lại hủy báng
Hủy trí như có thắng
Khen ngu chẳng phải thượng

[20]
Chớ nghe kẻ ngu nói
Cũng đừng sống với ngu
Cùng ngu chịu tai nạn
Ví như đồng chỗ oán
Hãy lựa nơi chung sống
Như gặp lại người thân

[21]
Cho nên kính đa văn
Cùng với ai trì giới
Tôn quý trong hàng người
Như trăng giữa vì sao

Phẩm 26: Tịch Diệt


[1]
Như rùa thu ẩn mình
Bhikṣu nhiếp ý tưởng
Không nương không hại người
Tịch diệt không lời nói

[2]
Nhẫn nhục là đệ nhất
Tịch diệt là tối thượng
Chẳng ôm lòng phiền não
Vô hại làm Đạo Nhân

[3]
Chớ nói lời thô ác
Lời nói hãy biện tài
Kém hiểu, khó luận bàn
Trái lại kia khuất phục

[4]
Luôn tự khởi phiền não
Như bình vỡ nát kia
Sanh tử luôn lưu chuyển
Mãi chìm chẳng thoát ra

[5]
Nếu không khởi phiền não
Như bình còn nguyên vẹn
Như thế đến tịch diệt
Trần cấu mãi không che

[6]
Không bệnh là lợi nhất
Biết đủ là giàu nhất
Cốt nhục là thân nhất
Tịch diệt là vui nhất

[7]
Đói khát là hoạn nhất
Các hành là khổ nhất
Ai biết như thật ấy
Tịch diệt an vui nhất

[8]
Lời Phật vi diệu thay
Lưu truyền không cùng tận
Truyền bá khắp thế gian
Không bao giờ lỗi thời

[9]
Đức Phật không ai bằng
Thuyết giảng lời chân thiện
Thân bị khổ bức bách
Khổ nào bằng đói khát?

[10]
Ít ai đến chốn lành
Phần nhiều đến nẻo ác
Ai biết như thật ấy
Hãy mau cầu tịch diệt

[11]
Do duyên sanh chốn lành
Do duyên sanh nẻo ác
Do duyên đắc tịch diệt
Như thế đều bởi duyên

[12]
Nai sống nơi hoang dã
Chim bay giữa bầu trời
Vạn pháp do nhân duyên
Đạo Nhân về tịch diệt

[13]
Không dùng tâm lười biếng
Khiếp nhược mà đến được
Muốn cầu Đạo tịch diệt
Đốt cháy mọi trói buộc

[14]
Bhikṣu chèo chiếc thuyền
Thuyền trống lướt nhẹ nhàng
Diệt trừ tham sân si
Rồi sẽ đến tịch diệt

[15]
Ngã, có, vốn là không
Xưa có ngã, nay không
Chẳng không cũng chẳng có
Như nay chẳng thể được

[16]
Chân Đế rất khó thấy
Khéo quán mà phân biệt
Thấu rõ gốc ái dục
Khổ đau sẽ diệt trừ

[17]
Đoạn ái trừ dục vọng
Sông khô chẳng còn chảy
Khéo rõ gốc ái dục
Khổ đau sẽ diệt trừ

[18]
Không thân, tưởng diệt trừ
Thống khổ được mát mẻ
Các hành vĩnh dừng nghỉ
Thức tưởng chẳng còn sanh
Ai biết như thật ấy
Khổ đau sẽ diệt trừ

[19]
Ở nơi vắng sẽ tĩnh
Chớ gần lạc hữu lậu
Vô động được khinh an
Tĩnh mới được tịch diệt

[20]
Cũng không do đến đi
Đến đi tuyệt sanh diệt
Già chết phiền não trừ
Đoạn khổ được tịch diệt

[21]
Ta đã không trở lại
Chẳng đi cũng chẳng đến
Chẳng chết cũng chẳng sanh
Đó là cảnh tịch diệt

[22]
Biết gốc ngọn của sanh
Hữu vi biết vô vi
Siết trói bởi sanh tử
Ai siết khó chế phục

[23]
Như thế thân bốn đại
Năm uẩn khổ não tập
An trụ quán thật khổ
Dứt khổ chứng tịch diệt

[24]
Các pháp chẳng đến đi
Đến đi luôn sanh diệt
Già bệnh chết đổi dời
Vô lậu đắc tịch diệt

[25]
Bhikṣu! Hễ có sanh
Tất sẽ có tạo tác
Vô sanh không còn hữu
Vô tác không chỗ hành

[26]
Bhikṣu! Ta đã biết
Chẳng còn vào các Xứ
Không, Thức Vô Biên Xứ
Hay Vô Sở Hữu Xứ

[27]
Không vào Phi Phi Tưởng
Không đời này đời sau
Cũng không nhật nguyệt tưởng
Không đến cũng không đi

[28]
Do ăn nhân duyên sanh
Do ăn có vui buồn
Việc đó ai diệt trừ
Các khổ sẽ tận trừ

[29]
Không ăn mạng khó sống
Ai mà chẳng cần ăn?
Người xem ăn trên hết
Sau đó mới đến Đạo

[30]
Đất đai và nước lửa
Bấy giờ gió chẳng thổi
Lửa sáng không chiếu soi
Cũng không thấy cảnh vật

[31]
Chẳng trăng chẳng chiếu sáng
Chẳng trời chẳng chiếu soi
Ai quán sát tường tận
Mới đắc Đạo tịch diệt

[32]
Đoan chánh buông xả sắc
Thoát khỏi mọi khổ ách
Chẳng sắc chẳng vô sắc
Thoát khỏi đệ nhất khổ

[33]
Cứu cánh chẳng sợ hãi
Tự tại chẳng hoài nghi
Chưa đoạn gai ái dục
Sao biết thân là hoạn?

[34]
Gọi là bậc cứu cánh
Tịch diệt là đệ nhất
Đoạn sạch mọi chấp trước
Văn cú chẳng sai nhầm

[35]
Phàm phu chẳng tư duy
Bậc trí xả các hành
Tâm tự tư duy hành
Như ra khỏi vỏ trứng

[36]
Pháp thí thắng mọi thí
Pháp lạc thắng mọi lạc
Nhẫn lực thắng mọi lực
Ái tận hết khổ đau

Phẩm 27: Quán Sát


[1]
Khéo quán lỗi của mình
Lỗi mình chẳng lộ ra
Lỗi người rất dễ thấy
Như bụi bay lơ lửng

[2]
Nếu mình xưng không lỗi
Tội phước đều cùng đến
Chỉ thấy lỗi của người
Luôn ôm lòng nguy hại

[3]
Biết xấu hổ sống lâu
Sao dùng tham dắt trói?
Lực sĩ chẳng sợ gì
Phàm phu mạng giảm ngắn

[4]
Biết thẹn nhận cúng dường
Luôn cầu hạnh thanh tịnh
Uy nghi chẳng khiếm khuyết
Hãy quán chân tịnh thọ

[5]
Mù mịt trùm thế gian
Mắt trí rất hiếm hoi
Bầy chim sa vào lưới
Sanh thiên có mấy ai

[6]
Quán thế pháp suy hao
Chỉ thấy sắc biến đổi
Kẻ ngu tự trói buộc
Bị ám siết bủa vây
Cũng không thấy các hành
Huống nữa không chỗ có

[7]
Chúng sanh đều có ngã
Vì kia mà sanh hoạn
Mỗi người chẳng thấy nhau
Không thấy gai tà kiến

[8]
Quán gai nhân duyên này
Chúng sanh nhiều nhiễm trước
Mình tạo chẳng phải người
Kia tạo chẳng phải ta

[9]
Chúng sanh bị lười siết
Nhiễm trước nơi kiêu mạn
Mê muội bởi cái thấy
Chẳng thoát sanh tử khổ

[10]
Đã được và sẽ được
Cả hai thọ trần cấu
Tập là gốc của bệnh
Cùng hiểu các điều học

[11]
Quán các bậc trì giới
Người tịnh hạnh thanh tịnh
Hãy nhìn kẻ bệnh gầy
Sẽ đến nơi vô vi

[12]
Hãy quán bọt trên nước
Cũng quán như ảo ảnh
Như thế chẳng quán thân
Cũng không thấy chết đến

[13]
Hãy quán bọt trên nước
Cũng quán như ảo ảnh
Như thế chẳng quán đời
Cũng không thấy tử thần

[14]
Như vậy hãy quán thân
Như xe đẹp của vua
Kẻ ngu bị nhiễm trước
Khéo cầu lìa xa kia

[15]
Như vậy hãy quán thân
Như xe đẹp của vua
Kẻ ngu bị nhiễm trước
Người trí hãy lìa xa

[16]
Như vậy hãy quán thân
Chúng bệnh là nguyên nhân
Bệnh với ngu tụ hội
Làm sao mà bảo hộ?

[17]
Hãy quán hình tượng vẽ
Bảo châu tóc xanh biếc
Kẻ ngu dùng làm duyên
Chẳng mong qua bờ kia

[18]
Hãy quán hình tượng vẽ
Bảo châu tóc xanh biếc
Kẻ ngu dùng làm duyên
Người trí sớm nhàm lìa

[19]
Cưỡng lấy hình vẽ đẹp
Trang nghiêm thân xú uế
Kẻ ngu dùng làm duyên
Cũng chẳng mong tự độ

[20]
Tóc móng chia tám phần
Hoa tai hai con mắt
Kẻ ngu bị nhiễm trước
Cũng chẳng mong tự độ

[21]
Tham dục nhiễm trước dục
Chẳng xét, duyên kết sử
Không dùng sanh kết sử
Mà qua dòng dục lậu

[22]
Chẳng vườn ra khỏi vườn
Khỏi vườn lại vào vườn
Hãy nên quán kẻ này
Cởi trói lại bị trói

[23]
Nay xả ngôi vua trời
Không tạo gốc sanh tử
Cầu lìa khổ địa ngục
Xin nói tịch diệt vui

[24]
Áo trắng sạch che thân
Người lái xe một bánh
Quán kia chưa đoạn cấu
Hãy cầu dứt buộc ràng

[25]
Nhiều người đi nương tựa
Thần cây thần sông núi
Xây miếu và tế thần
Hy vọng miễn khổ nạn

[26]
Nơi đó không tối thượng
Cũng chẳng có ích lợi
Ai nương tựa như thế
Không thoát mọi khổ ách

[27]
Nếu ai Quy Y Phật
Quy Y Pháp cùng Tăng
Tu tập Bốn Thánh Đế
Tất thấy chân trí tuệ

[28]
Khổ nhân duyên khổ sanh
Hãy vượt khổ ách này
Thánh hiền Tám Chánh Đạo
Diệt tận chứng cam lộ

[29]
Quy y nơi Tam Bảo
Tối thượng cát tường nhất
Nếu có ai quy y
Sẽ thoát mọi khổ đau

[30]
Đã quán rồi sẽ quán
Không quán cũng sẽ quán
Quán rồi lại quán nữa
Quán rồi chẳng quán nữa

[31]
Quán rồi lại quán nữa
Phân biệt bổn tánh kia
Tính ngày cho là đêm
Không lâu thân báu hoại

[32]
Quán rồi chẳng quán nữa
Tuy thấy cũng chẳng thấy
Như thấy mà chẳng thấy
Quán mà cũng chẳng thấy

[33]
Tại sao thấy chẳng thấy?
Sao nói thấy chẳng thấy?
Nhân gì thấy chẳng thấy?
Do gì thấy giải thoát?

[34]
Nếu như chẳng quán khổ
Hãy luôn tự quán rõ
Liễu giải gốc của khổ
Đó là minh diệu quán

[35]
Ai khiến hàng phàm phu?
Không quán gốc các hành
Do kia mà quán sát
Bỏ tối thấy sáng ngời

Phẩm 28: Tội Chướng


[1]
Không làm các điều ác
Vâng làm mọi việc lành
Thanh tịnh tâm ý mình
Là lời chư Phật dạy

[2]
Huệ thí được phước báo
Phẫn nộ không ôm ấp
Dùng thiện diệt trừ ác
Chẳng còn tham sân si

[3]
Một mình chớ theo ngu
Kẻ mê hãy theo trí
Người trí diệt điều ác
Như hạc chọn uống sữa

[4]
Quán đời muôn đổi thay
Sanh diệt biết dấu tích
Hiền thánh chẳng thích đời
Kẻ ngu xa thánh hiền

[5]
Hiểu biết vị của niệm
Tư duy nghĩa dừng nghỉ
Vô nhiệt không nghĩ đói
Hãy uống vị của Pháp

[6]
Ai không hại tâm họ
Cũng không hủy ý họ
Dùng thiện diệt sạch ác
Chẳng lo đọa đường ác

[7]
Ai muốn tu luyện tâm
Thì phải luôn tuyển chọn
Người trí dễ chạm trổ
Mới gọi là thế hùng
Ai khéo thân cận họ
An ổn chẳng ưu sầu

[8]
Tịch nhiên chẳng ai hơn
Nhu hòa không táo bạo
Thổi tan các pháp ác
Như gió thổi lá rụng

[9]
Cố ý khủng bố người
Hủy báng bậc thanh tịnh
Làm ác nghiệp lực truy
Như mây bị gió thổi

[10]
Thiện ác của mỗi người
Ai nấy tự biết rõ
Làm lành được quả lành
Làm ác đọa đường ác

[11]
Xem mình tịnh hay không
Sao lo người khác tịnh?
Kẻ ngu chẳng tự luyện
Như sắt dùi thép rỉ

[12]
Nếu mắt thấy chẳng tà
Người sáng cầu phương tiện
Bậc trí khéo sống đời
Cũng không làm điều ác

[13]
Thương nhân tại hiểm lộ
Vắng người mà nhiều hàng
Đi qua chỗ hiểm nạn
Trục gãy tất âu lo

[14]
Nếu thân không ung nhọt
Chẳng bị độc gây hại
Như độc chẳng đau đớn
Không ác gì chẳng tạo

[15]
Nhiều người làm việc ác
Thân phải bị liên lụy
Tu thiện ban ân đức
Việc này sẽ rất khó

[16]
Lành thay ai tu thiện
Than ôi kẻ tạo ác
Rất dễ tự làm ác
Ác nhân khó làm lành

[17]
Kẻ ngu cho mình đúng
Bởi ác chưa chín mùi
Đến khi ác chín mùi
Các khổ cũng kéo đến

[18]
Hiền giả thấy điều ác
Không bị ác làm hại
Khi ác chưa chín mùi
Kẻ ác nghĩ chẳng sao

[19]
Hiền giả quán điều ác
Mãi không làm việc ác
Ác xưa như chín mùi
Hiền giả tự quán sát

[20]
Dù ai làm việc ác
Cũng không luôn luôn làm
Ý họ chẳng an vui
Biết ác là khổ đau

[21]
Ai khéo làm phước thiện
Cũng sẽ luôn luôn làm
Ý họ nguyện an vui
Khéo thọ phước báo đó

[22]
Trước hãy khéo điều tâm
Nhiếp trì gốc của ác
Thì phước sẽ tăng trưởng
Nghiệp ác do tâm tạo

[23]
Làm ác tuy rất ít
Đời sau chịu lắm khổ
Báo ứng sẽ vô biên
Như độc vào trong tim

[24]
Làm phước tuy rất ít
Đời sau thọ đại phước
Sẽ được phước báo lớn
Do gieo quả chân thật

[25]
Không lỗi mà khinh khi
Không sân mà xâm đoạt
Họ phải chịu mười thứ
Sẽ liền đến nơi kia:

[26]
Đau đớn lời thô ác
Thân thể bị tổn thương
Bệnh tật bức thảm thiết
Tâm loạn mà chẳng an

[27]
Thân quyến biệt ly tan
Tài sản hao hụt hết
Bị giặc cướp đoạt mất
Sở nguyện chẳng toại ý

[28]
Hoặc bị vô số thứ
Bị lửa thiêu cháy rụi
Khi chết đọa địa ngục
Đó là mười tai ương

[29]
Làm ác chớ nói không
Đã làm nói vô tội
Che giấu bảo chẳng tội
Nó đều có quả báo

[30]
Làm ác giọng buồn lo
Đã làm chịu sầu muộn
Che giấu lại lo âu
Quả báo cũng ưu sầu

[31]
Gây ưu đời sau ưu
Tạo ác với sầu muộn
Sợ hãi luôn ưu phiền
Thấy tội lòng ngậm ngùi

[32]
Tạo vui đời sau vui
Làm thiện với hoan hỷ
Hân hoan thường vui vẻ
Thấy phước tâm an nhiên

[33]
Gây khổ đời sau khổ
Tạo tội với thống khổ
Báo ứng luôn đau đớn
Thấy tội lòng ngậm ngùi

[34]
Tu phước chẳng làm ác
Đều do nghiệp mình tạo
Mãi không sợ khi chết
Như thuyền lướt qua sông

Phẩm 29: Tương Ứng


[1]
Ánh trăng soi tối tăm
Khi trời chưa ló dạng
Nhật quang chiếu sáng khắp
Ánh trăng liền lu mờ

[2]
Ngoại đạo chiếu ánh sáng
Khi Phật chưa xuất thế
Như Lai phóng đại minh
Ngoại đạo liền lu mờ

[3]
Lấy thật cho là giả
Lấy giả cho là thật
Đó là tâm tà kiến
Không được lợi ích lành

[4]
Chân thật biết là thật
Hư ngụy biết là giả
Đó là tâm chánh kiến
Tất được lợi ích lành

[5]
Kẻ ngu chấp kiên cố
Phải bị chín trói buộc
Như chim sa vào lưới
Đều do đắm ái dục

[6]
Những ai có hoài nghi
Đời này và đời sau
Thiền định khéo diệt sạch
Tịnh hạnh không não phiền

[7]
Tánh độc không nhổ trừ
Tham muốn lòng rong ruổi
Chưa thể tự điều phục
Không xứng mặc Pháp y

[8]
Tánh độc khéo nhổ trừ
Giữ giới ý an nhiên
Tâm đó đã điều phục
Xứng đáng mặc Pháp y

[9]
Không dùng lời nhu hòa
Danh xưng vang khắp chốn
Dung nhan dù đẹp xinh
Mà lòng đầy gian xảo

[10]
Ai khéo lìa việc ác
Nhổ tận đến gốc rễ
Bậc trí trừ các uế
Mới gọi là thiện sắc

[11]
Chớ cho đẹp bên ngoài
Thoáng gặp mà biết lòng
Trên đời lắm kẻ xấu
Nhởn nhơ ở thế gian

[12]
Như vàng giả mạo kia
Bên trong toàn đồng thau
Rêu rao đi khắp nơi
Trong uế ngoài bất tịnh

[13]
Ham ăn chẳng biết dừng
Suốt ngày chỉ nằm lì
Như chuồng để nuôi heo
Nên mãi thọ bào thai

[14]
Ý ai khéo chuyên nhất
Ăn uống biết chừng mực
Thực là nhánh của dục
Tiết chế tu Chánh Đạo

[15]
Tà kiến cho thân tịnh
Các căn chẳng nhiếp phục
Ăn uống không chừng mực
Là pháp của phàm phu
Ý dục càng chuyển tăng
Như nhà mục rỉ chảy

[16]
Hãy quán thân bất tịnh
Các căn chẳng nhiếp phục
Ăn uống biết chừng mực
Tín tâm hành tinh tấn
Ý dục chẳng buông lung
Như gió thổi thái sơn

[17]
Nơi vắng rất an lạc
Nhưng người chẳng thích mấy
Thánh hiền thường cư trú
Nơi ở của Đạo Nhân

[18]
Khó dời khó dao động
Như núi Tuyết trùng trùng
Phi thánh tức chẳng hiện
Như đêm vào nhà tối

[19]
Hiền giả có cả ngàn
Bậc trí tại tùng lâm
Nghĩa lý cực thâm thúy
Người trí khéo phân biệt

[20]
Chúng sanh nhiều muôn loại
Chẳng tu nên chẳng chứng
Nay quán nghĩa lý này
Phạm giới bị người khinh

[21]
Quán lậu biết sợ hãi
Biến đổi chẳng phải thường
Hữu lậu nên chớ thích
Nên nhớ lìa ba cõi

[22]
Bất tín chẳng xấu hổ
Xuyên tường mà trộm cắp
Đoạn trừ ý tưởng kia
Đó là bậc thượng nhân

[23]
Trước đoạn tâm tham ái
Kiêu mạn và tà kiến
Diệt sạch mọi kết sử
Vô cấu tu tịnh hạnh

[24]
Ăn uống biết chừng mực
Tài vật không cất giấu
Vô nguyện, không, vô tướng
Tu hành độ chúng sanh

[25]
Như chim bay giữa trời
Dấu tích chẳng thể thấy
Như bậc tu hành kia
Diệu ngôn chẳng thể biết

[26]
Ai khéo đoạn gốc lậu
Không nương pháp vô thường
Vô nguyện, không, vô tướng
Tu hành độ chúng sanh

[27]
Ít có mấy chúng sanh
Phần nhiều chẳng thuận Đạo
Giả sử dù có người
Rất khó chứng diệt độ

[28]
Đúng sai của nhân thế
Hãy quán hết mọi pháp
Trừ sạch các kết sử
Nhiệt não vĩnh chẳng còn

[29]
Tu hành chẳng ưu sầu
Ngày kia sẽ giải thoát
Trừ sạch mọi kết sử
Phiền não chẳng còn sanh

[30]
Như chim bay giữa trời
Không gì gây trở ngại
Vị kia được vô lậu
Vô nguyện, không, vô tướng

[31]
Như chim bay giữa trời
Không gì gây trở ngại
Hành giả qua bờ kia
Vô nguyện, không, vô tướng

[32]
Việc ác chớ nên tạo
Ai tạo chịu phiền não
Việc sai chớ nên làm
Trước sầu sau cũng sầu

[33]
Việc thiện hãy nên tạo
Ai tạo chẳng ưu sầu
Việc vui hãy nên làm
Sanh thiên thọ vui sướng

[34]
Hư không chẳng dấu vết
Đạo Nhân chẳng ý dơ
Người đời ưa làm ác
Duy Phật tịnh vô uế

[35]
Hư không chẳng dấu vết
Đạo Nhân chẳng ý dơ
Thế gian đều vô thường
Phật lìa ngã, ngã sở

[36]
Chư thiên cùng nhân thế
Tương ứng tất cả hành
Thoát khỏi mọi khổ đau
Lìa ái miễn luân hồi

[37]
Chư thiên cùng nhân thế
Tương ứng tất cả hành
Khéo xa những nghiệp ác
Không đọa ba đường ác

[38]
Cũng lại không biết luận
Trí ngu không phân biệt
Nếu lại biết luận nghĩa
Lời nói chẳng sai lầm

[39]
Hãy đàm luận Chánh Pháp
Hãy dựng Phật Pháp tràng
Pháp tràng là Đại Tiên
Đại Tiên là Pháp tràng

[40]
Hoặc chê do im lặng
Hoặc chê do nói nhiều
Hoặc chê do chưa nói
Chẳng ai không bị chê

[41]
Lúc khen lúc hủy báng
Chỉ vì lợi với danh
Chẳng có cũng chẳng không
Tức cũng chẳng thể biết

[42]
Được người trí ngợi khen
Hoặc tốt hay là xấu
Người trí chẳng khiếm khuyết
Định tuệ được giải thoát
Như vàng ròng sắc tím
Trong ngoài tịnh xuyên suốt

[43]
Ví như núi Diệu Cao
Không bị gió lung lay
Người trí cũng như vậy
Chê khen chẳng động dao

[44]
Như cây không có rễ
Không cành huống là lá?
Bậc trí cởi trói buộc
Đức họ ai dám hủy?

[45]
Vô cấu chẳng chỗ nương
Thân lậu trồng nhân khổ
Tối thắng không còn ái
Trời người chẳng hay biết

[46]
Ví như lưới rừng rậm
Vô ái huống có dư?
Phật có vô lượng hạnh
Không vết, vết ai đi?

[47]
Nếu hữu chẳng dục sanh
Với sanh chẳng thọ hữu
Phật có vô lượng hạnh
Không vết, vết ai đi?

[48]
Nếu muốn diệt vọng tưởng
Trong ngoài không các nhân
Cũng không vướng sắc tưởng
Bốn ứng chẳng thọ sanh

[49]
Bỏ trước và bỏ sau
Bỏ giữa vượt các cõi
Tất cả đều buông bỏ
Chẳng còn thọ sanh già

Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Hết quyển 3


Soạn tập: Tôn giả Pháp Cứu
Dịch sang cổ văn: Pháp sư Thiên Tức Tai (?-1000)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 19/10/2014 ◊ Cập nhật: 10/4/2016

Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su
Đang dùng phương ngữ: BắcNam